Chúng ta ai cũng biết đến tăm, thứ vật dụng phổ biến dùng hằng ngày hỗ trợ vệ sinh răng miệng, được làm bằng tre. Bạn nghĩ thế nào khi có cả tăm bằng nước?
Không có gì đẹp hơn một nụ cười đẹp và khỏe mạnh. Nhưng để có được vẻ ngoài đẹp đẽ này không dễ, thậm chí là rất tốn kém và đáng nói là chúng ta sẵn sàng tốn kém để đạt được kết quả đó. Chính vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm chăm sóc, vệ sinh răng miệng.
Trong số đó có sản phẩm tăm nước, hay còn gọi là máy tăm nước, với giá bán đắt đỏ, từ khoảng 700 ngàn đồng cho đến hơn 3 triệu đồng / chiếc. Câu hỏi chắc chắn rất nhiều người quan tâm là tăm nước thực sự là gì? Sử dụng hiệu quả không? So với chỉ nha khoa thì như thế nào? Bài viết này tổng hợp ý kiến của các chuyên gia giúp trả lời các câu hỏi trên và chúng tôi sẽ có trải nghiệm máy tăm nước thực tế trong bài viết tới.
Tăm nước thực sự là gì?
Mặc dù sản phẩm này mới xuất hiện trên thị trường một vài năm gần đây, nhưng thực ra nguồn gốc tăm nước đã có từ nhiều chục năm trước. Máy tăm nước còn được gọi là máy phun nước nha khoa hoặc máy súc miệng. Thiết bị tăm nước đầu tiên được phát minh năm 1962 và tác giả của nó là một nha sĩ ở Colorado (Mỹ) với sự trợ giúp của một kỹ sư thủy lực cũng chính là bệnh nhân của ông (theo WebMD).
Ngày nay, nếu bạn từng đi khám nha khoa, đơn giản như lấy cao răng, hàn răng hay chữa răng sâu… thì sẽ thấy bác sĩ sử dụng một vòi nước áp lực cao xịt vào chân răng, kẽ răng. Thiết bị này có thể tăng áp, giảm áp được. Với sự phát triển của công nghệ, thiết bị chuyên dụng dành cho nha sĩ đã được mở rộng tới người dùng bình thường – đó chính là máy tăm nước, chạy bằng pin sạc có gắn kèm bình nước nhỏ, sử dụng nước áp lực cao để làm sạch mảng bám thức ăn giữa các răng.
Máy tăm nước trên thị trường hiện nay rất đa dạng, với nhiều thương hiệu như Maxcare, Xiaomi, Panasonic, Waterpik… Giá bán rẻ nhất là từ 700.000 đồng, còn đắt nhất lên đến hơn 3 triệu đồng. Lý do chênh lệch giá có nhiều, tùy theo thương hiệu, chất liệu, pin… Tuy nhiên, nếu có ý định mua tăm nước bạn nên lưu ý về áp suất nước, các mức áp suất nước, tốc độ sung. Hai chỉ số phổ biến của máy là áp lực nước 140Psi, tốc độ sung (tần số áp lực nước) 1400 lần/phút. Các tính năng như làm nóng nước, tự vệ sinh, thêm đầu xịt, dung lượng pin lớn… đều làm tăng giá bán máy.
Máy tăm nước và chỉ nha khoa, cái nào tốt hơn?
Đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa florua là lời khuyên của bất kỳ nha sĩ nào, nhưng thực tế đánh răng thường xuyên có thể không đủ để làm sạch các mảnh thức ăn, mảng bám và vi khuẩn từ kẽ răng.
Lông bàn chải đánh răng không đủ nhỏ để làm sạch hiệu quả trong những không gian chật hẹp này. Vì lý do này, các nha sĩ thường khuyên dùng chỉ nha khoa, giá bán cũng khá rẻ từ 30-40 ngàn đồng/ hộp chỉ tơ. Để so sánh với máy tăm nước, rất khó khẳng định cái nào tốt hơn vì tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, tình trạng răng lợi, thói quen hay thậm chí cả ngân sách chi cho các dụng cụ này.
Lời khuyên của nha sĩ của bạn là chỉ dẫn tin cậy khi phải lựa chọn. Tuy, việc hiểu sự khác biệt và tương đồng giữa hai loại giúp bạn có thể quyết định cái nào sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất.
Chỉ nha khoa: Ưu và nhược điểm
Chỉ tơ nha khoa là sợi dây mảnh, mềm, độ đàn hồi tốt, được làm từ nylon hoặc nhựa. Hiện nay, chỉ nha khoa được bán trên thị trường có 2 hình thức phổ biến: Dạng cuộn tròn trong hộp nhỏ, người dùng có thể cắt ra theo độ dài phù hợp; Dạng tăm với sợi chỉ ngắn được gắn cố định trên một cung nhỏ hình chữ C.
Chỉ nha khoa có từ nhiều đời nay. Song theo các tài liệu, lần đầu tiên chỉ nha khoa được một nha sĩ Mỹ tên là Levi Spear Parmly (1790-1859) đề xuất trong cuốn sách “Hướng dẫn thực hành chăm sóc răng” xuất bản năm 1819 của ông. Chỉ nha khoa chính thức được cấp bằng sáng chế 55 năm sau cho Asahel M. Shurtleff. Ông đã thiết kế chỉ nha khoa trong hộp kèm theo một lưỡi kim loại sắc để cắt chỉ tương tự như một số chỉ nha khoa được bán ngày nay. Chỉ nha khoa còn có dạng có hương vị, hoặc dạng sợi có sáp hoặc không có sáp.
Ưu điểm
– dễ kiểm soát, cho phép bạn quét sạch từng kẽ răng một cách tỉ mỉ theo chuyển động lên xuống và di chuyển chỉ nha khoa giữa các kẽ răng.
– có thể làm sạch từng kẽ răng. Loại bỏ vi khuẩn, mảng bám và các mảnh thức ăn từ kẽ răng. Sử dụng chỉ nha khoa cũng cho phép bạn lau sạch từng kẽ răng khỏi mảng bám dính trước khi nó có thể chuyển thành xỉn màu.
Nhược điểm
– không thể tiếp cận một số khu vực phía sâu trong hàm. Một số người có thể không thể tiếp cận một số vùng nhất định của miệng một cách dễ dàng khi chỉ dựa vào chỉ nha khoa. Bạn cũng có thể gặp khó khăn khi vệ sinh kẽ răng rất chặt.
– có thể khiến nướu bị chảy máu nếu bạn dùng chỉ nha khoa quá sâu xuống dưới đường viền nướu hoặc quá mạnh.
– Rác thải. chỉ nha khoa được dùng phổ biến hiện nay dạng cung hình chữ C nhỏ bằng nhựa. Nhiều người dùng xong vứt ra ngoài ngõ, đường rất mất vệ sinh. Chưa kể, việc sử dụng thường xuyên cũng có nghĩa một lượng rác thải nhựa không nhỏ hằng ngày thải ra môi trường.
Lưu ý: Điều quan trọng sau khi dùng chỉ nha khoa là phải súc miệng loại bỏ mảng bám và cặn bẩn bám trên răng.
Tăm nước: ưu và nhược điểm
Máy tăm nước nước sử dụng dòng nước rung có áp suất để làm sạch các mảnh thức ăn, vi khuẩn và mảng bám giữa các kẽ răng và dưới viền nướu.
Các nha sĩ thường khuyên sử dụng tăm nước với những người:
– đeo niềng răng
– có cầu răng cố định
– chụp răng
– cấy ghép nha khoa
Ưu điểm
– dễ sử dụng. Vòi nước rất dễ sử dụng. Một số người có thể phải mất một chút thời gian để điều chỉnh lực nước thoải mái nhất với họ.
– đến những khu vực khó tiếp cận. Sử dụng máy tăm nước có thể đặc biệt hữu ích trong việc tiếp cận các răng ở sâu phía trong khoang miệng, các răng có khoảng cách chặt chẽ
– làm sạch kẽ răng, kể cả những kẽ răng khá chặt, và các túi nha chu có thể do bệnh nướu răng ban đầu gây ra. Chúng cũng có thể giúp giữ cho hơi thở thơm hơn, lâu hơn, đó là một điểm cộng.
Lưu ý: Để đạt được hiệu quả cao nhất có thể, những người mới sử dụng máy tăm nước nên nhớ đặt đầu mút vào miệng trước khi bật máy và đi từ từ, lướt nhẹ đầu tăm theo đường viền nướu. Bạn nên bắt đầu với răng cửa, tiếp tục cho đến khi bạn đã làm sạch bên trong và bên ngoài của cả răng trên và dưới, đảm bảo rằng toàn bộ miệng được làm sạch hoàn toàn.
Nhược điểm
– có thể không loại bỏ tất cả các mảng bám. Lực nước súc rửa có thể không đủ để loại bỏ hoàn toàn mảng bám trên bề mặt răng. Một số người sử dụng chỉ nha khoa trước để cạo và làm lỏng mảng bám rồi sử dụng máy tăm nước để loại bỏ cặn bẩn và mảng bám còn sót lại một cách hiệu quả.
– đắt đỏ. Như đã nói trên, máy tăm nước giá từ 700 ngàn đồng đến nhiều triệu đồng, so với chỉ nha khoa máy tăm nước đắt hơn rất nhiều.
– có thể bị hỏng: do máy chạy điện nên có thể bị hư hỏng, chai pin, hay phải thay thế phụ kiện.
– bắn nước tung tóe khi ban đầu sử dụng chưa quen. Thậm chí, một số người phản ánh họ bị chảy máu chân răng do áp lực nước quá mạnh.
Ngoài việc đánh răng, cả máy tăm nước và chỉ nha khoa đều là những cách tốt để chăm sóc răng và nướu. Phương pháp vệ sinh răng miệng tốt nhất thường là phương pháp bạn sẽ gắn bó, thích thú và có thể thấy mình sử dụng hàng ngày. Nhiều người thích sự kiểm soát từ việc dùng chỉ nha khoa bằng tay. Những người khác say sưa về cảm giác tươi mát, sạch sâu mà họ có được sau khi sử dụng máy tăm nước.
Hồng Thúy
Nguồn: vnreview.vn