Cả hai đều là sản phẩm cao cấp nhất đến từ LG và Sony, mang tới độ sáng cao nhất từ trước đến nay đối với TV OLED. Vậy đâu là mẫu xuất sắc hơn?
Mẫu A90J của Sony có giá 4.000 USD cho cỡ 65 inch, còn LG G1 là 3.000 USD. Phóng viên Caleb Denison đến từ Digital Trends đã quyết định đặt cả hai sản phẩm lên bàn cân so sánh, nhằm tìm ra mẫu TV OLED xuất sắc hơn.
Thiết kế
LG G1 là mẫu TV thuộc dòng Gallery, tức có thể gắn trên tường như một bức tranh. Nếu bạn mua TV với dự định sẽ gắn trên tường, nó trông đẹp hơn hẳn mẫu của Sony. Bởi vì A90J được thiết kế theo dạng truyền thống, phần lồi ra ở lưng chiếm tới 1/3 chiều cao và đẩy nó ra xa hơn mặt tường.
Tuy nhiên, nếu đặt TV trên kệ thì A90J lại là một lựa chọn lý tưởng hơn. Vậy nên, về mặt thiết kế thì tùy vào điều kiện căn phòng của bạn, có thể chọn mẫu TV nào phù hợp hơn.
TV LG phù hợp để treo tường, còn Sony thì thích hợp đặt trên kệ
Trải nghiệm người dùng
WebOS của LG là một nền tảng được ưa chuộng vì tính dễ sử dụng. Giao diện dễ đọc chữ, điều hướng đơn giản, dễ nắm bắt với tất cả mọi người. TV hỗ trợ Alexa và Google Assistant, tích hợp AI. Nhìn chung, đây là một nền tảng cung cấp đầy đủ những gì bạn thích.
Đối với Sony, nền tảng Android TV đòi hỏi bạn phải tìm hiểu sâu hơn để khai thác tối đa. Càng sử dụng nhiều, tôi càng thích sử dụng Android TV, đặc biệt là tính năng Chromecast tích hợp. Công cụ giới thiệu học hỏi theo thói quen sử dụng của người dùng, càng dùng thì gợi ý càng chính xác.
Tuy nhiên, khi nói về sự bố trí trong cài đặt, tôi thấy Android TV làm tốt hơn WebOS. Cột menu đôi khi hơi rối và tôi phải mất hàng giờ đồng hồ để lặn lội. Chưa kể khi truy cập menu, giao diện hơi lag so với những gì tôi kỳ vọng. Có thể do LG đã nhồi nhét hơi quá các cài đặt trong đây.
Digital Trends đánh giá cao Android TV hơn WebOS
Sony đã làm tốt hơn khi menu bố trí rõ ràng, có mục giải thích hiệu quả của từng tính năng nếu được kích hoạt. Phản hồi cũng nhanh nhạy đúng như mong đợi. Ở mặt này, rõ ràng nền tảng Android TV của A90J đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của tôi.
Âm thanh
Đúng ra khi đã đầu tư hàng ngàn USD cho một chiếc TV, chúng ta sẵn sàng chi thêm tiền để nâng cấp âm thanh bằng một hệ thống soundbar, hoặc dàn âm thanh. Tuy nhiên trong bài so sánh này, tôi vẫn phải chọn ra một mẫu TV đem lại chất lượng loa tích hợp ấn tượng hơn. Liệu LG hay Sony sẽ giành chiến thắng?
LG G1 tái tạo âm trầm rất tốt mặc dù nó có thiết kế khá mỏng. Nếu thích nhiều bass thì đây là sản phẩm không hề tồi, trong khi âm cao vẫn rất trong trẻo không hề mờ nhạt, không bị chói. Tuy nhiên, tôi thật lòng khuyên bạn không nên kích hoạt tính năng AI Pro Sound của LG. Chế độ âm thanh tiêu chuẩn và vài tinh chỉnh sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
Phần âm thanh tích hợp của A90J làm tốt hơn G1
Đối với A90J, hệ thống âm thanh rung động qua tấm nền OLED hoạt động rất ấn tượng. Năm nay, Sony đã tăng cường thêm dải âm trầm bằng hệ thống subwoofer uy lực hơn. Kết quả đem lại thực sự rất ấn tượng, dải trầm chắc nịch, hiệu ứng âm thanh vòm rất hiệu quả. Tổng thể, tôi thấy sản phẩm của Sony có loa tích hợp tốt hơn.
Hình ảnh
Đây có lẽ là phần quan trọng nhất, cả hai đều tuyên bố sản phẩm năm nay có độ sáng cao hơn các thế hệ trước. Trước tiên, tôi thử đo LG ở Chế độ Phim ảnh, độ sáng đạt được lần lượt là 400 nit với SDR và 830 nit ở HDR. Chuyển sang Chế độ Sống động, đạt 860 nit. Theo dự đoán của tôi, LG G1 có thể tiến gần tới mốc 900 nit với HDR.
Tuy nhiên đó chỉ là những con số khô khan. Bằng mắt thường bạn cũng có thể xác nhận những gì LG nói là đúng, nó thực sự sáng hơn các đời OLED trước đây. Cân bằng trắng của LG cũng làm rất chuẩn, tôi cẳng phải động tay vào đâu để có được thiết lập màu sắc chính xác nhất.
Quay sang mẫu A90J, các con số thực sự đáng ngạc nhiên. Ở SDR đạt 360 nit, HDR là 800 nit và Chế độ Sống động có thể lên tới 1.250 nit. Như vậy, tiềm năng của TV Sony có thể lên tới gần 1.300 nit. Nó thực sự đã bỏ xa LG ở khoản này nếu bạn chọn Chế độ Sống động làm mặc định.
Trên G1, LG đã sử dụng một tấm nền mới là OLED Evo nhằm đạt được độ sáng cao hơn các đời cũ. Cùng với đó là con chip mới Alpha 9 thế hệ thứ 4, điều khiển khả năng tăng độ sáng của tấm nền OLED phù hợp. Cách tiếp cận của Sony thì hơi khác.
Công ty Nhật Bản bổ sung thêm một hệ thống heat sink vào cấu trúc tấm nền để giải nhiệt hiệu quả hơn. Cách làm này giảm bớt áp lực mà các điểm ảnh hữu cơ phải chịu khi tăng điện áp đầu vào nhằm tăng độ sáng. Dù là bằng cách nào, điều cuối cùng mà chúng ta có được là những chiếc TV OLED vô cùng sáng.
Chip xử lí XR Cognitive xử lí chi tiết và upscaling xuất sắc
Theo con mắt cá nhân tôi, X90J có vẻ trội hơn một chút vì bộ xử lí mới Bravia XR Cognitive. Thực chất bạn chẳng cần nhớ tên bộ xử lí hay nhà sản xuất, chỉ đơn giản là đặt cạnh nhau và xem hình ảnh trên TV nào sắc nét hơn. Với tôi thì đó là Sony A90J, khả năng upscaling và tái tạo chi tiết rất ấn tượng.
Gaming
Chất lượng hình ảnh của LG G1 có thể kém Sony A90J một chút, nhưng có một mặt mà chiếc TV OLED này “trên cơ” đối thủ rõ ràng – gaming. Cấu hình của G1 gồm bốn cổng HDMI 2.1, khai thác tối đa 4K@120Hz với HDR và VRR, hỗ trợ cả G-Sync lẫn FreeSync. LG còn trang bị thêm một tính năng “sát thủ” là Gaming Optimizer, cho phép bạn tùy chỉnh trải nghiệm chơi game của mình từ độ trễ cho tới cập độ màu đen.
A90J không phải một TV tồi nhưng xét về gaming, nó thực sự giới hạn hơn đối thủ đến từ LG. Nó chỉ có hai cổng HDMI hỗ trợ 4K@120Hz, và chỉ một trong hai cổng đó hỗ trợ eARC. Sony hoàn toàn bỏ qua các tính năng như VRR, FreeSync hay G-Sync. Chưa rõ Sony có định bổ sung các tính năng này qua cập nhật phần mềm hay không.
Kết luận
A90J không chơi game tốt bằng G1
Tùy thuộc vào nhu cầu của bạn mà LG G1 hay Sony A90J là chiếc TV hấp dẫn hơn. Nếu bạn muốn đạt chất lượng hình ảnh và âm thanh cao nhất có thể, không quan tâm đến việc chơi game, hãy chọn Sony.
Còn nếu sắp tới bạn định tậu một chiếc console thế hệ mới (Xbox Series X hay PlayStation 5) thì LG G1 nổi bật hơn hẳn. Đó là còn chưa kể đến việc giá bán cũng thấp hơn A90J, trong khi chất lượng hình ảnh và âm thanh không hề tệ chút nào.
Vậy nên, mặc dù cá nhân tôi rất mê Sony A90J, tôi phải thành thực thừa nhận LG sẽ là kẻ chiến thắng số đông người mua. Bởi sản phẩm của họ mang tới một trải nghiệm cao cấp dù giá bán thấp hơn Sony.
Hiện tại, Sony đã cho đặt trước TV OLED A90J tại thị trường Việt Nam. Cỡ 55 inch có giá 55 triệu đồng, tặng kèm tai nghe khử ồn cao cấp WH-1000XM4, 3 năm bảo hành cùng gói ứng dụng giải trí cao cấp. Với cỡ 65 inch, người dùng để sở hữu cần phải bỏ ra 80 triệu đồng, được tặng kèm bộ loa thanh HT-G700 và gói ứng dụng giải trí cao cấp. Đối với LG G1, sản phẩm vẫn chưa có thông tin về hàng tại thị trường nước ta.
Ambitious Man
Nguồn: vnreview.vn