Keychron K8 là một bàn phím cơ không dây tuyệt vời. Về cơ bản k8 là phiên bản TenKeyLess (80%) của Keychron K4 . Bàn phím cơ này của Keychron sử dụng Switch Gateron Brown, tạo cảm giác bấm cực kỳ thích nhưng không quá ồn như Blue Switch, phù hợp cho việc sử dụng văn phòng.
Keychrone K8 Switch & Thiết kế
Các tùy chọn Switch cho Keychrone
Keychron K8 Red Switch & Blue Switch
Keychron K8 có một số các phiên bản Gateron Red Switch hoặc Blue Switch để bạn lựa chọn. Đáng tiếc là K8 không có phím lập trình macro và phần mềm cài riêng cho bàn phím, điều này có thể gây thất vọng cho các game thủ và lập trình viên.
Thiết kế của Keychron k8
Nói về thiết kế của Keychron K8 thì qua nhiều thế hệ, những chiếc bàn phím của Keychron đã hình thành một cái thiết kế khó nhầm lẫn, nhất là phần màu sắc keycap và kiểu hoàn thiện vỏ. K8 cũng như các phiên bản K2, K4, K6 chỉ là khác biệt về layout thôi. Tuy nhiên, K8 mình nghĩ đáng ra phải là phiên bản xuất hiện trước các phiên bản còn lại bởi layout TKL là layout tiêu chuẩn chỉ sau full-size 108 phím, người dùng sẽ dễ làm quen hơn là các layout rút gọn như K4 hay K6.
Anh em nếu đã chơi phím cơ thì chắc không lạ layout TKL nữa, mình giải thích lại cho anh em chưa biết thì chữ TKL viết tắt của Tenkeyless (thiếu 10 phím) – đây là cách gọi dễ hình dung của layout này bởi so với layout full-size, TKL chỉ đơn thuần là không có cụm phím số numpad, vị trí các phím, kích thước các phím còn lại không đổi so với full-size. Vậy nên khi xưa trước khi các layout rút gọn như 60%, 75% ra đời thì TKL được xem là giải pháp nhỏ gọn, có thể mang theo được của phím cơ.
Vậy nên Keychron K8 dùng layout này cũng để giải quyết các vấn đề đó là: dễ làm quen với layout, giữ lại các phím cần thiết với kích thước và vị trí tiêu chuẩn chẳng hạn như cụm phím điều hướng, các phím dành cho văn bản và web như Ins/Del/Home/End/Page Up/Down, hàng phím F tách biệt và tăng khả năng tùy biến bởi layout này sẽ không còn kén keycap như layout 65% của K6.
Tuy nhiên K8 tối ưu lại layout TKL một chút, chiếc bàn phím này được thiết kế để người dùng Mac có thể sử dụng tốt, tương tự như bàn phím trên MacBook hay Magic Keyboard thành ra trên hàng phìm F, Keychron đã thiết kế các nút chức năng đặc trưng của Mac như tăng giảm độ sáng, mở Mission Control, Launchpad, tăng giảm độ sáng màn hình, đa phương tiện và chỉnh âm thanh.
Ngoài ra tại vị trí của 3 phím hàng trên (Row 1) gồm Prnt Screen, Scroll Lock và Pause thì Keychron chuyển đổi 2 nút Scroll Lock và Pause thành nút mic để bật trợ lý ảo như Siri/Cortana và nút Pause thành chỉnh đèn. Nhìn chung thì sự thay đổi này khá hữu ích, mình nghĩ trên Mac anh em sẽ có thể dùng Siri tiện hơn còn Cortana trên Windows 10 thì không còn nhiều chức năng nữa. Bản thân 2 nút Scroll Lock và Pause cũng là 2 nút ít được dùng đến trên bàn phím.
Đèn RGB trên phiên bản K8 nhôm RGB này có 18 hiệu ứng, anh em không thích đèn đóm màu mè thì có thể chọn bản LED trắng nhưng tiếc là bản này lại không có khung nhôm.
Thiết kế của K8 vẫn là vỏ bằng nhựa cứng, phiên bản nhôm thì 4 viền xung quanh vỏ được gắn thêm các thanh nhôm để tăng thẩm mỹ cũng như tạo độ nặng cho vỏ khiến chiếc bàn phím ổn định hơn trên bàn.
Vỏ nhựa, có thêm nhiều feet cao su chống trượt.
Mặt dưới có chân chống 2 nấc cho 2 góc nghiêng tương tự như K6.
Hệ thống các nút bấm của K8 vẫn y hệt K6 hay các tiền bản với 2 phím gạt gồm phím chuyển layout Windows/Android và Mac/iOS cùng với phím Bluetooth/Tắt/Kết nối có dây. Vị trí các phím này nằm ở cạnh trái dễ tiếp cận và dễ thao tác khi anh em sử dụng bàn phím với nhiều thiết bị như vừa máy Mac vừa máy Windows vừa điện thoại.
Các chuẩn kết nối & Phụ kiện K8
Kết nối hiện đại phụ kiện tiện dụng
Kết nối của Keychron K8
Nói đến tính năng kết nối thì K8 vẫn hỗ trợ kết nối 3 thiết bị qua Bluetooth, chuyển đổi và pair qua tổ hợp Fn + 1 hoặc 2 hoặc 3 rất đơn giản. K8 dùng Bluetooth 5.1 nên nó cho cự ly kết nối xa hơn, tốc độ cao hơn, tiết kiệm pin hơn.
Bên cạnh kết nối không dây thì K8 có cổng USB-C để dùng với dây. Sợi cáp tặng kèm được làm khá đẹp với đầu kết nối bẻ góc 90 độ và được bọc thừng chắc chắn.
Pin tích hợp trên K8 có dung lượng 4000 mAh và đi với Bluetooth 5.1, thời lượng sử dụng pin có thể đạt 240 giờ nếu không bật đèn, 68 giờ nếu để đèn đơn sắc và 72 giờ với đèn RGB.
Keychron K8 – Những phụ kiện đi kèm
Giờ thì chúng ta hãy xem qua 3 thứ chính của chiếc bàn phím này. Đầu tiên là keycap:
Keycap trên K8 vẫn là loại keycap ABS được phủ lớp su mềm để tăng cảm giác tiếp xúc. Keychron cho biết keycap đã được làm dày hơn để cho âm thanh và cảm giác gõ tốt hơn. Mình so keycap của K8 với keycap mặc định của K6 thì đúng là có dày hơn một chút và từ đó nó khiến âm thanh gõ phím nghe chắc hơn, không bị vang và cảm giác mỏng tang như đời trước.
Dù vậy mình vẫn bảo toàn quan điểm Keychron nên làm hẳn keycap PBT double shot, tăng giá cũng được nhưng về trải nghiệm thì nó tốt hơn nhiều so với ABS, nhất là khoản không bám mồ hôi lên keycap cũng như tiếng nghe hay hơn. Điểm mình thích trên keycap của K8 là các kí tự được khắc nét mảnh, chi tiết.
Phần stabilizer dưới các phím dài được cải tiến, nó bám chặt hơn vào plate và được lube mỡ thành ra khi nhấn xuống thì keycap không bị chênh dù nhấn ở cạnh. Anh em có thể hình dung khi chúng ta nhấn Spacebar bằng ngón cái hay Backspace bằng ngón út chẳng hạn thì chúng ta ít khi nhấn chính xác ở giữa phím mà thay vào đó là ở một bên phím. Stabilizer là cơ chế cân bằng, giúp phím dài đi xuống thẳng đứng mà không bị chênh. Stabilizer được làm ổn định, bám chặt vào plate, stem bên trong được lube thì cảm giác nhấn các phím dài này xuống sẽ mượt mà hơn, âm thanh cũng hay hơn.
Tiếp theo là tính năng hot swap và switch. Kể từ khi Keychron cung cấp tùy chọn hot swap thì mình nghĩ chuyện switch không còn quan trọng nữa bởi anh em có thể chọn loại switch bất kỳ khi mua bàn phím sau đó về thay lại loại switch mình thích. Bên cạnh phiên bản hot swap thì K8 có tùy chọn với switch hàn chết, những loại switch mà anh em có thể chọn bao gồm:
Gateron Mechanical:
- Gateron Red: lực nhấn 45g, điểm kích hoạt 2 mm, tổng hành trình 4 mm, dạng switch Linear;
- Gateron Blue: lực nhấn 60g, điểm kích hoạt 2,3 mm, tổng hành trình 4 mm, dạng switch Clikcy;
- Gateron Brown: lực nhấn 55g, điểm kích hoạt 2 mm, tổng hành trình 4mm, dạng switch Tactile.
Keychron Optical (switch quang học của LK):
- Optical Red: lực nhấn 40g, điểm kích hoạt 1,8 mm, tổng hành trình 4 mm, dạng switch Linear;
- Optical Blue: lực nhấn 55g, điểm kích hoạt 1,8 mm, tổng hành trình 4 mm, dạng switch Clicky;
- Optical Brown: lực nhấn 55g, điểm kích hoạt 1,8 mm, tổng hành trình 4 mm, dạng switch Tactile.
Anh em chắc là đã biết các thuộc tính của từng loại switch này, cơ bản Linear là dạng switch thẳng tuột, nhẹ nhất, nhạy nhất và phù hợp với nhu cầu sử dụng như chơi game cần thao tác tay nhanh hay gõ phím văn phòng mà sợ ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên loại switch Linear thì cảm giác gõ không nhiều, mình thì thích xài loại Tactile như Gateron Brown, Optical Brown hơn bởi nó có khấc phản hồi, nhấn xuống có cảm giác kích hoạt và tự tin hơn so với Red. Riêng Blue thì chiếc bàn phím mình đang xài dùng Gateron Blue, nó vừa tactile vừa có lưỡi tạo tiếng clicky nên khá là ồn. Có nhiều người thích clicky và mình cũng vậy nhưng tiếng của Gateron Blue thì không hay lắm.
Phiên bản hot swap của K8 sẽ cho anh em tùy biến loại switch. Mình sưu tập nhiều loại switch khác nhau và cũng thường xuyên đổi switch để trải nghiệm cảm giác gõ và âm thanh của chúng. Thiết kế khe hot swap của K8 không khác biệt với K6 cũng như nhiều dòng phím hot swap khác, anh em sử dụng các loại switch clone của Cherry hay Kailh Box đều có thể gắn thoải mái và chắc chắn.
Mạch hot swap màu đen hỗ trợ 5 pin nên tính tương thích với các loại switch mua ngoài cao, nhiều dòng switch được thiết kế 5 chân để tăng độ ổn định cho switch, không cần phải bấm chân đi.
Mình cũng từng tháo mạch con K6 ra và nhận thấy dưới các chân tiếp xúc, Keychron đã cho bắn keo để gia cường từ đó tránh tình trạng khi anh em cắm switch mới vào mà chân switch không thẳng với lỗ cắm thì nó sẽ không đẩy lỗ cắp rời ra, cùng lắm chỉ là cong cái chân switch mà thôi. Việc thay switch cũng cần phải cẩn thận vì mạch hot swap khá dễ bị tổn thương.
Hot swap là giải pháp hay để anh em có thể trải nghiệm nhiều hơn với bàn phím cơ, thay vì mua bàn phím mới với loại switch mong muốn thì chúng ta chỉ cần lên shopee hay các cửa hàng chuyên bán linh phụ kiện cho phím cơ để mua loại switch mình muốn với chi phí đầu tư thấp hơn so với việc mua bàn phím mới. Ngoài ra việc K8 sử dụng layout TKL tiêu chuẩn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu chơi keycap của anh em bởi anh em có thể thoải mái mua những bộ keycap cho bàn phím full-size sử dụng với K8, không còn phải lo nghĩ là nút Shift ngắn hay Shift dài, Row nào cao Row nào thấp nữa.
SiliconZ sẽ cho đặt hàng trước K8 từ 11 tháng 9 với giá từ 1 triệu 390 ngàn cho phiên bản vỏ nhựa, LED trắng, rẻ hơn 400 ngàn so với giá bán chính thức. Phiên bản K8 khung nhôm, đèn RGB không hot swap có giá đặt hàng trươccs là 1 triệu 690 ngàn (giá chính thức 2 triệu 190 ngàn) và phiên bản khung nhôm, đèn RGB, hot swap có giá đặt trước là 1 triệu 790 ngàn (giá chính thức 2 triệu 290 ngàn). Nói chung mức giá đặt trước rẻ hơn 30% so với giá bán chính thức. Vậy nên mình nghĩ anh em nếu thích K8 thì đặt trước bản nhôm hot swap có lý hơn.
Mua Key Chrone K8 bản nhựa và bản Nhôm