Intel vừa mới trình làng những bộ xử lý Core “Tiger Lake H” thế hệ 11 cho máy tính xách tay. Đó rõ ràng là lời đáp trả chắc nịch của gã khổng lồ ngành chip đối với dòng CPU laptop Ryzen 5000 từ AMD, khiến cuộc chiến Intel – AMD ngày càng trở nên hấp dẫn.
Thay vì phải chờ đợi chi tiết, PC World đã quyết định thử nghiệm và tiết lộ cho chúng ta 3 thông tin chính mà chúng sẽ cần biết về những con chip “Super Fin” 10nm 8 nhân này. Hi vọng, nó sẽ giúp Đội Xanh cân bằng cuộc chiến vốn đang thiên về những con chip Ryzen từ Đội Đỏ.
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về khả năng của Tiger Lake H, PC World đã thử nghiệm rất nhiều máy tính xách tay khác nhau, bao gồm 2 chiếc laptop Comet Lake H thế hệ 10, 2 chiếc notebook Ryzen 5000, 1 chiếc laptop Ryzen 4000 cùng chiếc laptop Aorus 17G mới nhất từ Gigabyte được trang bị con chip Core i7-11800H thế hệ 11 cùng GPU GeForce RTX 3080 Lapto bên trong.
Dưới đây là những điều mà PC World rút sau những thử nghiệm ban đầu đối với các bộ xử lý mới của Intel:
1. CPU Intel có thể cạnh tranh ngang Ryzen của AMD
Những CPU laptop Ryzen của AMD đã bỏ xa đối thủ Intel Core H-series thế hệ 10 trong hơn một năm nay, và Tiger Lake H thế hệ 11 có thể thay đổi điều đó. Sau khi thử nghiệm Core i7-11800H cùng với Ryzen 9 5900HX và Ryzen 9 5980HS, PC World xác nhận, Intel có thể làm điều đó. Đây là kết quả benchmark Cinebench R20 trên cả 6 chiếc laptop.
Kết quả cao hơn cho hiệu năng tốt hơn
Các thanh có màu xanh lam nhạt đại diện cho CPU Comet Lake H thế hệ 10 của Intel, xuất hiện trong bộ đôi Gigabyte Aorus 17G và Dell XPS 17 9700 đời cũ. Cả hai chiếc laptop này đều được trang bị các con chip Intel Comet Lake H thế hệ 10, tiến trình 14nm, và mang lại hiệu năng tệ hơn cả Asus ROG Zephyrus G14 vốn nhỏ bé hơn. Điều đó rất quan trọng bởi chiếc laptop càng nhỏ, nhẹ thì lại càng khó làm mát CPU hơn.
Trong khi đó, Ryzen 9 5900HX bên trong Asus Strix G17 lại không làm chúng ta thất vọng. Nó thực sự là một con quái vật, bỏ xa những đối thủ sử dụng chip Intel thế hệ 10.
Dĩ nhiên, con chip Intel Core i7-11800H thế hệ 11 (trong thanh xanh lam đậm) không thể đánh bại được Ryzen 9 5900HX, nhưng khoảng cách giữa chúng rất gần. Và dù Core i9 không thực sự cung cấp hiệu năng đa luồng hiệu quả so với Core i7 trong thế hệ 10, nhưng với sự cải thiện mạnh mẽ của thế hệ 11 này, rất có thể con chip Intel Core i9-11980HK sẽ giật lấy vị trí đầu tiên khi xét đến hiệu năng đa luồng trong phần lớn những chiếc laptop chơi game.
Kết quả cao hơn cho hiệu năng tốt hơn
Hiệu năng đơn luồng cũng rất quan trọng đối với mục đích sử dụng thông thường cũng như chơi game, vốn tận dụng đơn luồng. Khi thử nghiệm benchmark đơn luồng trên Cinebench R20, một lần nữa những chiếc laptop sử dụng chip H-series thế hệ 10 của Intel bị loại khỏi cuộc chơi.
Thế nhưng, với con chip Core i7-11800H thế hệ thứ 11 trong Aorus 17G, nó có thể vượt mặt Ryzen 9 5900HX. Dẫu không thể đánh bại Ryzen 9 5980HS trong Asus Flow X13, nhưng thực sự con chip này có thể cạnh tranh với hai CPU Ryzen laptop đầu bảng từ nhà AMD. Tuy vậy, hãy nhờ rằng, đây là Intel Core i7 chứ không phải Core i9 và nó vẫn có thể đối đầu trực diện với hai con chip Ryzen 9 nhanh nhất hiện có của AMD.
2. Đánh giá hiệu năng chơi game của Intel thế hệ 11
Dẫu hiệu năng CPU là một điểm yếu trên Intel Comet Lake H thế hệ 10, nhưng điều đó không tác động nhiều đến việc chơi game. Đó là bởi hầu hết các tựa game ngày nay đều không sử dụng quá nhiều nhân, và phần lớn quá trình nghẽn cổ chai xuất phát từ tốc độ GPU được trang bị bên trong laptop.
Dẫu bị các con chip Ryzen 5000 bỏ xa trong Cinebench, thế nhưng, bạn vẫn nên chọn một chiếc laptop được trang bị Core i7-10870H cùng GPU GeForce RTX 3080 Laptop thay vì một con chip Ryzen 5000 cùng GPU GeForce RTX 3060 Laptop nếu chủ yếu chơi game. Nói chung, hãy chọn một mẫu laptop có GPU mạnh mẽ hơn, công suất cao hơn nếu muốn có hiệu năng cao nhất đối với một chiếc laptop chơi game.
Kết quả cao hơn cho hiệu năng tốt hơn
PC World đã cố thử nghiệm game nhưng lại gặp vấn đề liên quan đến driver trên CPU Intel Core i7-11800H. Tuy vậy, nó vẫn rất cạnh tranh, như chúng ta có thể thấy kết quả CPU từ 3DMark Time của 3 chiếc laptop RTX 3080.
Thử nghiệm này nhằm mục đích đo hiệu năng CPU bằng cách sử dụng một engine vật lý trong thế giới thực. Kết quả như chúng ta đều thấy: Intel Core i7-11800H vượt mặt cả AMD Ryzen 9 5900HX lẫn Intel Core i7-10870H thế hệ cũ.
3. Cpu Intel thế hệ 11 vs Apple M1 không hề nhanh hơn
Trọng lượng và kích thước rất quan trọng đối với một chiếc laptop. Không chỉ vì chúng ta phải mang vác nó thường xuyên, mà nó còn gợi ý về khả năng tản nhiệt hay số lượng phần cứng bên trong.
Thế nên, mọi người cũng không cần thiết phải hỏi những câu đại loại như: “Tiger Lake H mạnh mẽ như thế nào so với Apple M1 trong MacBook Pro?“. Đó là một sự so sánh khập khiễng. Nó giống như việc bạn đi so sánh chiếc xe Toyota Prius với Dodge Challenger Hemicuda. Rõ là tất cả chúng ta đều biết câu trả lời. Hơn nữa, dựa trên thử nghiệm của PC World hồi năm ngoái, có thể thấy CPU Tiger Lake U thế hệ 11 đã vượt mặt Apple M1.
Với tiêu chuẩn mỏng, nhẹ, cung cấp trải nghiệm gần như không có quạt, thật không công bằng cho MacBook Pro khi so sánh với một chiếc laptop được trang bị CPU Tiger Lake H và đi kèm với GPU GeForce hoặc Radeon chuyên dụng, vốn có hiệu năng nhanh và mạnh mẽ hơn đáng kể. Những chiếc laptop này cũng tạo ra những tiếng ồn khó chịu khi quạt hoạt động cũng như thời lượng pin tệ hơn khá nhiều.
Nhưng dù sao, PC World cũng bổ sung kết quả benchmark Cinebench R23 từ Macworld vào biểu đổ để so sánh với con chip Intel Tiger Lake H Core i7-11800H thế hệ 11. PC World phải sử dụng Cinebench R23 vì nó thực sự được xây dựng thuần cho kiến trúc ARM mà Apple M1 áp dụng, tức không cần phải thông qua quy trình chuyển đổi tập lệnh. Điều này đảm bảo kết quả trung thực nhất có thể, tránh tình trạng thất thoát hiệu năng.
Kết quả cao hơn cho hiệu năng tốt hơn
Cũng phải lưu ý thêm rằng tất cả các bộ xử lý này đều là CPU 8 nhân. Kết quả là Apple M1 (màu đen trong biểu đồ) đứng chót bảng. Dĩ nhiên, Core i7-11800H và những CPU Ryzen 9 5000 đều dễ dàng vượt qua Apple M1. Không chỉ vậy, đại diện của Apple cũng chậm hơn cả hai chiếc laptop sở hữu CPU Intel thế hệ 10 8 nhân.
Về cơ bản, sự so sánh này không có ý nghĩa bởi từ thiết kế cho đến kiến trúc đã hoàn toàn khác biệt nhau, trừ những fan và anti-fan Apple.
Dẫu vậy, việc Apple thâm nhập vào lĩnh vực CPU với những con chip ARM có thể là một đe dọa đối với PC trong tương lai. So sánh một chiếc notebook Apple M1 nặng 1,36kg với 1 chiếc laptop chơi game nặng 2,7kg rõ ràng là không công bằng, nhưng điều đó sẽ khả thi nếu Apple tung ra một chiếc laptop Apple M2 với trọng lượng 2kg được bổ sung thêm bộ xử lý đồ họa chuyên dụng.
Kết quả cao hơn cho hiệu năng tốt hơn
Bạn có thể thấy mối đe dọa đó hiện hữu trong thử nghiệm đơn luồng của Cinebench R23 trên mọi chiếc laptop. Việc sử dụng một luồng duy nhất giúp giảm lượng nhiệt tỏa ra cũng như năng lượng tiêu thụ trên một chiếc laptop, và thực sự xóa bỏ việc so sánh khập khiễng “1 chiếc laptop 1,36kg với 1 chiếc laptop 2,7kg”.
Dẫu những CPU Intel thế hệ 10 có thể đánh bại Apple M1 trong thử nghiệm đa luồng, nhưng khi thử đơn luồng, điểm yếu của các nhân 14nm cũ rất cũ đã thực sự bộc lộ – kém kha khá so với Apple M1. Lẽ dĩ nhiên, các CPU Intel thế hệ 11 và AMD Ryzen 5000 có thể làm tốt hơn. Đặt một chiếc MacBook Pro 12 hay 16 nhân bổ sung bộ xử lý đồ họa chuyên dụng vào bài so sánh này thì chúng ta mới có chuyện để nói.
Tóm lại, đừng tâng bốc Apple M1 quá. Bởi nó không nhanh và mạnh hơn Intel Tiger Lake H thế hệ 11 nói riêng, cũng như những con chip x86 nói chung. Nói thế cho nó vuông!
Lê Hữu (theo PC World)
Nguồn: vnreview.vn