Những ngộ nhận tưởng đúng mà lại sai về công nghệ màn hình TV

Không thiếu những hiểu biết về công nghệ màn hình bạn tưởng như là đúng, nhưng sự thật đằng sau lại không như vậy.

Công nghệ là một chủ đề khô khan với nhiều người, vậy nên tìm hiểu về nó thực sự không phải chuyện dễ dàng. Trong thời đại truyền thông Internet phát triển, người ta dễ dàng bị lạc vào ma trận các tên gọi và cách hiểu đan xen nhau xoay quanh chủ đề này. Từ đó, hình thành những ngộ nhận phổ biến được truyền miệng và rỉ tai cho nhau, tưởng là đúng mà hóa ra lại không phải.

Bài viết sau đây sẽ chỉ ra một số trường hợp như vậy, gói gọn trong công nghệ màn hình.

“Màn hình LED” và “TV LED”

Hiện nay, tên gọi “TV LED” và “màn hình LED” được sử dụng rất phổ biến nhưng hầu như đều hiểu sai. Một số coi đây là các sản phẩm hiện đại hơn LCD. Số khác lại cho rằng “bản chất LED chỉ là LCD”, xuất phát từ thực trạng TV LED lẫn màn hình LED đều đang sử dụng tấm nền LCD, đi cùng hệ thống đèn nền LED. Rất nhiều tài liệu tiếp thị hay bài viết trên mạng nói với bạn như vậy.

Màn hình LED direct view dùng cho mục đích thương mại (ảnh: SNAdisplay)

Về bản chất, LED và LCD là hai công nghệ khác nhau và màn hình LED lẫn màn hình LCD đều tồn tại. Màn hình LED là ứng dụng hiển thị của chip LED, sử dụng cho mục đích thương mại làm màn hình quảng cáo, hội trường, hiển thị thông tin,… Còn màn hình LCD thì vô cùng quen thuộc, ứng dụng trên điện thoại, laptop, TV,…

Trong khi màn hình LED tự phát sáng bằng các chip LED vô cơ, màn hình LCD trên các thiết bị điện tử của chúng ta được phân vào loại truyền dẫn ánh sáng. Thiết kế cơ bản gồm hệ thống đèn nền ghép với module tinh thể lỏng (Liquid Crystal), điểm ảnh không tự phát sáng mà dựa vào ánh sáng đèn nền đi qua bộ lọc màu để cho ra màu sắc.

Như vậy, TV LED để gọi TV dùng màn hình LED và TV LCD thì dùng màn hình LCD. Các màn hình máy tính hay TV hiện nay được tiếp thị bằng cái tên “màn hình LED” và “TV LED” đều không chính xác về công nghệ hiển thị, vì chúng không sử dụng màn hình LED mà dùng LCD. Quan niệm “bản chất LED chỉ là LCD” cũng sai, đây là hệ quả cách gọi không đúng ở trên.

TV microLED và OLED có thể xem là TV LED chính xác cả về công nghệ hiển thị lẫn tên gọi (ảnh: Samsung)

Một số TV LED đúng về bản chất công nghệ gồm các loại dùng màn hình microLED hay OLED. Tuy nhiên chúng không phổ biến bằng TV LCD do rào cản chi phí, kỹ thuật chế tạo. OLED là công nghệ màn hình LED hữu cơ (Organic LED), phân biệt với LED vô cơ (Inorganic LED) nhắc đến ở trên. Quy trình sản xuất OLED rất khác với Inorganic LED nên thường được phân làm hai loại riêng.

Tham khảo: Những công nghệ cần biết rõ bản chất khi mua TV năm 2021

“LED tức là LCD sử dụng đèn nền LED”

Một số cho rằng cách gọi “TV LED” hay “màn hình LED” hợp lí, bởi nó diễn giải cho việc kết hợp công nghệ LCD với đèn nền LED. Tuy nhiên, màn hình LCD không nhất thiết cần có đèn nền và với loại truyền dẫn (transmissive), cũng không nhất định phải là đèn LED. Đèn nền trước khi chuyển sang dùng công nghệ LED đã sử dụng huỳnh quang (CCFL), dù là đèn nền nào thì đó vẫn là sản phẩm dựa trên LCD.

Bên cạnh loại LCD truyền dẫn đang ở xung quanh bạn, màn hình LCD vẫn còn một loại nữa có thể hiển thị mà không cần đèn nền. Đó chính là LCD phản quang (reflective) với ứng dụng hạn chế hơn rất nhiều. Loại này không có đèn nền mà tận dụng nguồn sáng tới từ bên ngoài, dễ nhất là ánh mặt trời. Chất lượng hiển thị của LCD phản quang không bằng truyền dẫn.

LCD phản quang hay LCD reflective không dùng đèn nền mà tận dụng nguồn sáng bên ngoài (ảnh: Electrical Engineering Stack Exchange)  

Như vậy, một màn hình LCD trang bị đèn nền CCFL vẫn là LCD. Và một màn hình LCD không có hệ thống đèn nền thì cũng vẫn là LCD. Đèn nền LED chỉ là một thành phần nâng cao chất lượng hiển thị, không làm thay đổi bản chất của công nghệ LCD.

Công nghệ miniLED

Đây là hình thái phát triển tiên tiến dựa trên LED vô cơ, do vậy không phải LCD. Nhiều người tin “bản chất miniLED chỉ là LCD” xuất phát từ quan niệm sai lầm ở trên, vốn cho rằng “bản chất LED chỉ là LCD”. Đây cũng là hệ quả của cách gọi không chính xác, một phần không nhỏ đến từ cách thức truyền thông của các nhà sản xuất.

Chip LED có thể dùng làm đèn nền (backlight) cho màn hình LCD, cũng có thể làm màn hình hiển thị tự phát sáng (LED direct view). Tương tự, chip miniLED cũng có hai ứng dụng như vậy. Phân loại miniLED chủ yếu xoay quanh việc có thể thu nhỏ kích cỡ chip LED, dưới 200 micron thì được coi là miniLED và lớn hơn thì thuộc LED truyền thống.

Công nghệ miniLED có hai ứng dụng là màn hình hiển thị và đèn nền LCD (ảnh: Touch Taiwan)

Do ứng dụng làm màn hình phát quang không phổ biến với đại chúng, đa phần coi đèn nền miniLED là toàn bộ công nghệ miniLED, dẫn tới đánh đồng miniLED và LCD. Về bản chất, miniLED đề cập tới công nghệ chip LED, không làm thay đổi việc đó là một màn hình LCD. Một sản phẩm sử dụng màn hình LCD với đèn nền miniLED không có nghĩa nó trang bị màn hình miniLED.

Bởi màn hình miniLED thực sự chỉ đơn giản là màn hình LED direct view, các chip LED được chế tạo nhỏ hơn đủ tiêu chuẩn miniLED. Loại này không trang bị đèn nền hay lớp tinh thể lỏng, tự phát sáng và bật tắt điểm ảnh. Ngộ nhận “công nghệ miniLED không bằng OLED” cũng sai vì ở ứng dụng làm màn hình direct view, nó cạnh tranh sòng phẳng với OLED tương như màn LED.

Tham khảo: Tìm hiểu về công nghệ miniLED

“Màn hình chấm lượng tử” và “TV QLED”

Đôi khi bạn sẽ thấy giới thiệu sản phẩm sử dụng công nghệ “màn hình chấm lượng tử”, hay tên gọi “TV QLED” xuất hiện khiến bạn bối rối. Liệu đây có phải các công nghệ mới tiên tiến hơn LCD và OLED hiện có?

Nhiều người bị cái tên “TV QLED” làm ngộ nhận là công nghệ mới vượt trội hơn LCD (ảnh: Samsung)

Cả hai tên gọi dễ gây hiểu nhầm ở trên đều xoay quanh công nghệ chấm lượng tử (quantum dot). Hiện tại, chấm lượng tử được áp dụng phổ biến trên màn hình LCD dưới dạng QDEF (Quantum Dot Enhancement Film), hình thái triển khai cơ bản nhất của loại vật liệu này. Mục đích nhằm giúp cải thiện độ sáng và dải màu. 

Một tấm màng nhựa chứa đầy các hạt chấm lượng tử, đặt giữa hệ thống đèn nền LED (loại Blue LED) và lớp tinh thể lỏng. Khi ánh sáng đi tới, các hạt sẽ hấp thụ một phần và chuyển đổi thành ánh sáng đỏ và xanh lá tùy vào kích cỡ hạt. Sau đó kết hợp với phần ánh sáng xanh dương chưa được hấp thụ để tạo thành màu trắng, đi tới bộ lọc màu.

Như vậy, đây là giải pháp cải thiện hiệu quả làm việc đèn nền LED của công nghệ LCD. Rõ ràng nó không thể “hô biến” sản phẩm thành một thứ gì đó vượt quá ranh giới của LCD.

Màn hình LCD cải thiện bằng chấm lượng tử dạng QDEF (ảnh: researchgate)

Super AMOLED, AMOLED và OLED

Rất nhiều người nhầm lẫn xoay quanh ba tên gọi này. Bỏ qua những cái tên đơn thuần phục vụ tiếp thị, không gây hiểu nhầm về công nghệ như Retina, Triluminos,… thì cả ba cách gọi trên đều có thể giải thích ngắn gọn bằng một từ – OLED.

OLED dựa trên cách điều khiển điểm ảnh phân ra làm PMOLED và AMOLED, phần OLED giữ nguyên trong khi phần còn lại sẽ tạo ra sự khác biệt. “PM” viết tắt cho “passive matrix” nghĩa là “ma trận thụ động”, còn “AM” nghĩa là “active matrix” (ma trận chủ động). Tương tự với OLED, LCD cũng chia làm PMLCD và AMLCD, nhưng chúng ta sẽ không bàn tới trong bài viết này.

Ma trận thụ động có nghĩa là điều khiển điểm ảnh cố định theo từng hàng hoặc cột, còn loại chủ động có thể điều khiển chính xác tới từng điểm ảnh. AMOLED đòi hỏi kỹ thuật chế tạo và chi phí cao hơn PMOLED, nhưng chất lượng vượt trội hoàn toàn. Nhắc đến AMOLED, có thể xem nó đại diện cho 99% các sản phẩm xung quanh bạn đang dùng màn hình OLED.

AMOLED và PMOLED (ảnh: HowStuffWorks)

Còn Super AMOLED thì sao? Đây là một thuật ngữ marketing đến từ Samsung, ám chỉ màn hình AMOLED tích hợp tấm cảm ứng vào tấm hiển thị giúp giảm độ mỏng. Bản thân kỹ thuật tích hợp này được Samsung Display gọi bằng tên Y-OCTA. Hiện tại, Super AMOLED ít được sử dụng mà được thay thế bằng nhiều cái tên mới nhằm nâng cao hiệu quả tiếp thị.

“QHD” và “1440p” là “2K”

Khi nói về độ phân giải, rất nhiều người hiện nay đánh đồng Quad HD (QHD) và 1440p với tên gọi “2K”. Thực tế đây là cách hiểu sai về bản chất vấn đề. Theo GSMArena, cách gọi dễ gây hiểu nhầm “2K” hay “2K+” xuất phát từ Trung Quốc. Trên nhiều trang tin hay diễn đàn công nghệ, người dùng ở đây, tên gọi này thường để ám chỉ độ phân giải QHD hoặc 1440p. Vấn đề càng bị làm trầm trọng hơn bởi tài liệu truyền thông của một số hãng smartphone.

Dựa trên số điểm ảnh bề ngang mà người ta sẽ gọi tắt độ phân giải màn hình đó là bao nhiêu K. Nó không hề liên quan tới việc độ phân giải đó là QHD hay 1440p hay không. Ví dụ, 3.840 x 2.160 và 7.680 x 4.320 được gọi lần lượt là 4K UHD (4K2K), 8K UHD (8K4K) vì số điểm ảnh bề ngang xấp xỉ 4.000 và 8.000. Nếu là 5.120 x 2.160, chúng ta có thể gọi 5K2K hoặc 5K UHD.

Cách hiểu chung từ Nhật Bản và phương Tây đều làm tròn số điểm ảnh bề ngang để gọi màn hình bao nhiêu K, chỉ có người Trung Quốc lại gọi theo cách hiểu của họ (ảnh: esupply)

Điểm ảnh bề dọc là 2.160 hay 4.320 không quyết định tới cách gọi bao nhiêu K. Theo một quy ước của tổ chức DCI, được thành lập bởi nhóm các studio lớn nhất Hollywood (Sony, Disney, Paramount,…), 2K và 4K dùng để gọi màn hình có 2.048 và 4.096 điểm ảnh bề ngang. Tuy vậy quy ước này không phổ biến lắm với người dùng phổ thông.

Hiện nay, trên smartphone xuất hiện nhiều độ phân giải mới khác với TV hay các sản phẩm trình chiếu truyền thống. Đa phần các flagship Android có số điểm ảnh bề ngang vượt quá 3.000, vậy nên thay vì ngộ nhận rằng “2K” hay “2K+”, cách gọi chính xác nhất nên làm tròn chúng thành “3K”.

Một số hãng laptop như Microsoft, MSI đã tiếp thị độ phân giải 3.000 x 2.000 hay 2.880 x 1.620 thành 3K, phù hợp hơn so với một số thương hiệu điện thoại Trung Quốc. Việc này cũng giúp tránh dẫn tới một ngộ nhận khác – “màn hình này chưa phải 2K”. Rất nhiều độ phân giải trên smartphone như 2.400 x 1.080 hay 2.520 x 1.080 bị nhận xét là chưa đạt tới 2K, chỉ vì chúng không phải là QHD hay 1440p.

Nhiều người gọi “màn hình 2K” bất chấp bề ngang đã vượt quá 3.000 điểm ảnh, “chưa phải 2K” trong khi đã có hơn 2.000 điểm ảnh (ảnh: Android Authority)

Nếu “2K” là một cách gọi dễ gây nhầm lẫn, việc gọi đúng độ phân giải màn hình trên smartphone chỉ cần sử dụng FHD+ hay QHD+ để mô tả. Quan trọng hơn, mật độ điểm ảnh mới là yếu tố quyết định độ sắc nét của màn hình. Khi độ phân giải ngày càng trở nên phức tạp, con số 458ppi (iPhone 12 Pro Max), 515ppi (Galaxy S21 Ultra) hay 643ppi (Xperia 1 II) mới là thứ bạn nên quan tâm.

Tham khảo: Những ngộ nhận phổ biến trên smartphone

Ambitious Man

Nguồn: vnreview.vn

 

Những ngộ nhận tưởng đúng mà lại sai về công nghệ màn hình TV
Những ngộ nhận tưởng đúng mà lại sai về công nghệ màn hình TV
Chưa có bình luận, hãy bình luận ngay

Viết bình luận

Đăng ký nhận tin

Nhận mã giảm giá, ưu đãi độc quyền qua Email của bạn mỗi ngày.

Chọn mua sản phẩm dễ dàng hơn

Copyright © 2009-2020

Lazapee All Rights Reserved.

Trang web hiện chỉ đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Tất cả hình ảnh và nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.

Lazapee
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare